Các bước trong tiến trình mua bán doanh nghiệp (Phần 3)
11/11/2015Trong tiến trình mua bán doanh nghiệp, sau khi đã xác định được doanh nghiệp cần mua qua các bước ở phần trước, ta sẽ tiến tới giai đoạn thương thảo với doanh nghiệp cần mua, ở phần này ta sẽ thực hiện rà soát, thẩm định doanh nghiệp mục tiêu, để đưa ra định giá và tiến hành đám phán với doanh nghiệp cần mua.
Thực hiện rà soát, thẩm định doanh nghiệp mục tiêu
Rà soát, thẩm định là quá trình nghiên cứu, xem xét toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu, đưa ra một bức tranh đầy đủ về doanh nghiệp đó. Quá trình rà soát được thực hiện bởi đội ngũ nhân sự đã được bạn chọn lọc, với những kinh nghiệm chuyên sâu trong từng lĩnh vực liên quan như tài chính, thuế, pháp lý, chiến lược hoạt động kinh doanh…Đây là một cuộc kiểm tra thực tế. Bên bán sẽ chuẩn bị tài liệu liên quan và bạn chuẩn bị các câu hỏi phù hợp, và sau đó tiến hành phân tích chi tiết tài liệu do bên bán cung cấp.
Quá trình đánh giá thẩm định phân tích này sẽ cung cấp những số liệu chính xác về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để bạn có thể xác định giá trị thực của doanh nghiệp mục tiêu, nhận diện những rủi ro hiện hữu hoặc tiềm ẩn với mục đích đảm bảo không để xảy ra những sơ suất chủ quan hoặc có chủ ý. Kết quả quá trình này là cơ sở cho mọi tính toán khác của thương vụ.
Thường thì hoạt động rà soát sẽ được chia làm hai vòng. Đầu tiên, mọi thông tin dữ liệu được bên bán cung cấp, sau đó bạn sẽ xác định những vấn đề cụ thể cần phải nghiên cứu và phân tích sâu hơn. Vòng tiếp theo sẽ là những câu hỏi và yêu cầu tổng hợp cung cấp thêm thông tin cho những chủ đề bạn quan tâm. Những câu hỏi, chủ đề bạn quan tâm tất nhiên sẽ phụ thuộc và thay đổi theo từng doanh nghiệp mục tiêu tùy thuộc vào xu hướng phát triển của lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động.
Nội dung rà soát thẩm định
Quá trình rà soát thẩm định thông thường được thực hiện theo ba nhóm nội dung chính: tình trạng pháp lý, tình hình tài chính và tình hình hoạt động, chiến lược kinh doanh.
Mục tiêu của rà soát pháp lý là đưa ra những cảnh báo về tính khả thi trong lĩnh vực pháp lý của giao dịch cũng như phát hiện những rủi ro hiện tại hoặc tiềm ẩn và cung cấp cho bên mua những hiểu biết quan trọng về các khía cạnh pháp lý của doanh nghiệp mục tiêu.
Rà soát tài chính đặt ra những câu hỏi để kiểm tra tình hình sức khỏe về tài chính của doanh nghiệp. Nó quan tâm đến tài chính nội bộ của doanh nghiệp mục tiêu như chính sách tài chính kế toán doanh nghiệp áp dụng, báo cáo tài chính, nguồn doanh thu chính, chi phí, vốn chủ sở hữu, vốn vay, nợ phải thu, nợ phải trả, các dòng tiền…
Nội dung rà soát chính trong phần tình hình hoạt động và chiến lược kinh doanh được chú ý nhiều nhất là đội ngũ nhân sự (Ban lãnh đạo bên bán); tình hình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh; chiến lược bán hàng và marketing; yếu tố công nghệ, máy móc trang thiết bị đang sử dụng; và cuối cùng là yếu tố môi trường.
Định giá và đàm phán sơ bộ về giá trị của doanh nghiệp
Vấn đề định giá doanh nghiệp luôn luôn là vấn đề cân não giữa bạn và doanh nghiệp bán trên bàn đàm phán để đạt được các kết quả thuận lợi nhất về phía mình.
Định giá doanh nghiệp là việc ước tính giá trị hiện hữu và tiềm năng của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định bằng cách sử dụng các phương pháp định giá thích hợp. Chính do yếu tố xác định “tiềm năng” nên việc định giá trở nên phức tạp hơn nhiều vì nó phụ thuộc vào những điều kiện xảy ra trong tương lai. Cũng chính vì yếu tố tương lai mà mỗi chủ thể sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá giá trị của một tài sản hay doanh nghiệp khác nhau.
Đặc điểm của định giá doanh nghiệp cho thương vụ là phải đưa ra được mức giá trong bối cảnh mâu thuẫn khách quan luôn tồn tại là: bạn luôn muốn mua được doanh nghiệp với “giá rẻ”, bên bán muốn bán doanh nghiệp với “giá đắt” hay nói cách khác là các bên đều muốn tối đa hoá lợi nhuận của mình. Và do vậy việc đưa ra được một mức giá doanh nghiệp “thuận mua vừa bán” giữa hai bên mua bán luôn là điều không dễ dàng
Xác định giá trị doanh nghiệp cho mục tiêu mua bán là xác định cả giá trị tài sản hữu hình và tài sản vô hình của doanh nghiệp. Tài sản vô hình (lợi thế kinh doanh) của doanh nghiệp bao gồm: Khả năng lãnh đạo của đội ngũ lãnh đạo; Thị phần của doanh nghiệp; Thương hiệu; Bản quyền và thậm chí cả Cơ chế quản trị doanh nghiệp.
Như vậy khi đề cập đến giá trị của một doanh nghiệp là nói đến cả giá trị tài sản hữu hình và giá trị tài sản vô hình, mà tài sản vô hình là loại tài sản cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó có khả năng tạo ra tỷ suất sinh lời cao cho doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Nó là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp trước mắt và trong tương lai. Bạn phải định giá một doanh nghiệp chỉ dựa trên chính những ích lợi mà nó mang đến.
Xêm thêm: Phần 1, Phần 2, Phần 4
Các luật sư Hà Nội thuộc cộng ty Luật The Light sẽ tư vấn cho bạn tốt nhất các vấn đề liên quan về luật doanh nghiệp qua hotline: 1900 0069 hoặc tại trụ sở tầng 8 Tòa nhà CTM số 299 Đường Cầu Giấy, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội