Tìm hiểu luật cạnh tranh khi mua bán hay sáp nhập doanh nghiệp (Phần 1)

07/12/2015  

Mặc dù các hoạt động mua bán sáp nhập đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây, nhất là khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đúng mức đến các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT) theo Luật Cạnh tranh 2005, do các quy định này còn khá mới mẻ, nhất là đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, các hậu quả pháp lý đối với việc vi phạm quy định về kiểm soát TTKT là khá nghiêm trọng với mức tiền phạt tối đa lên đến 10% tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi TTKT vi phạm.

Các vấn đề pháp lý liên quan đến kiểm soát TTKT mà các doanh nghiệp cần chú ý thực hiện để đảm bảo việc tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh và tránh các rủi ro nêu trên

  • Các giao dịch M&A được kiểm soát theo quy định của luật cạnh tranh

Theo quy định Điều 16 Luật Cạnh tranh, các giao dịch M&A được xem là hành vi TTKT chịu sự kiểm soát của luật bao gồm sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp và liên doanh giữa các doanh nghiệp.

  • Không phải mọi trường hợp mua lại doanh nghiệp đều được xem là TTKT

Dưới góc độ luật cạnh tranh, hoạt động mua lại doanh nghiệp là hình thức TTKT bằng biện pháp thiết lập quan hệ sở hữu giữa bên mua và doanh nghiệp mục tiêu qua đó triệt tiêu yếu tố cạnh tranh giữa các bên tham gia giao dịch. Do vậy, các trường hợp mua lại tài sản của doanh nghiệp khác nhưng không dẫn đến việc kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp mục tiêu thì không bị xem là TTKT theo quy định của Luật Cạnh tranh. Một điểm cần lưu ý là căn cứ xác định quyền “kiểm soát” hoặc “chi phối” doanh nghiệp mục tiêu theo Luật Cạnh tranh là khác so với Luật Doanh nghiệp 2005. Trong khi Luật Doanh nghiệp chủ yếu dựa trên mức vốn sở hữu hoặc giá trị quyền quyết định đến bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh căn cứ vào quyền biểu quyết trong bộ máy quản lý để xác định.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 34, Nghị định 116/2005/ND-CP ngày 15/9/2005 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, để được xem là kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp mục tiêu, bên mua phải có được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hoặc ở mức đủ để doanh nghiệp kiểm soát chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu. Như vậy, với quy định này, đa phần các giao dịch mua cổ phần thiểu số trong doanh nghiệp mục tiêu không được xem là TTKT. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, các bên cần tiến hành tham vấn với cơ quan quản lý cạnh tranh nếu sau khi hoàn thành giao dịch bên mua vẫn có thể chi phối hoạt động và chính sách tài chính của doanh nghiệp mục tiêu theo quy định tại Điều lệ hoặc theo quy định của pháp luật.

Xem tiếp phần 2