Sự khác biệt giữa phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội
16/12/2015Tội phạm là một khái niệm rộng, ám chỉ hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện vi phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi phạm tội được quy định ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó có tội phạm chưa đạt và chuẩn bị phạm tội. Hai khái niệm này na ná nhau, dễ gây hiểu lầm về ý nghĩa đối với mọi người.
Văn phòng luật sư - The Light với đội ngũ luật sư giỏi, kinh nghiệm và nhiệt huyết xin được tư vấn kiến thức, tư vấn pháp luật về sự khác biệt giữa hai khái niệm này như sau:
Khái niệm tội phạm chưa đạt và chuẩn bị phạm tội
Phạm tội chưa đạt là hành vi cố ý phạm tội nhưng không thực hiện được đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Chuẩn bị phạm tội là trường hợp một người đã chuẩn bị, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tạo ra những điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội. Nói một cách dễ hiểu hơn chuẩn bị phạm tội là giai đoạn đầu tiên của hành động phạm tội.
Cả 2 khái niệm này có một điểm giống nhau là đều thuộc trường hợp của tội phạm chưa hoàn thành, bị dừng lại do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của chủ thể thực hiện hành vi. Nguyên nhân ngoài ý muốn là căn cứ pháp lý chung cho cả hai trường hợp.
Hành vi
Chuẩn bị phạm tội: Người phạm tội chưa bắt tay vào việc thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm tương ứng thuộc Phần các tội phạm Bộ luật hình sự (có nghĩa là hành vi chưa xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ), mà chỉ mới thực hiện những hành vi tạo ra các điều kiện thuận lợi, cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhanh chóng về sau.
Phạm tội chưa đạt: Chủ thể đã thực sự bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, các quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ đã bắt đầu bị xâm hại, hậu quả đã gây ra cho xã hội, nên mức độ nguy hiểm cho xã hội của trường hợp này rõ ràng cao hơn so với trường hợp thứ nhất, đồng thời sẽ đặc biệt nguy hiểm hơn nếu không có căn cứ “do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn” ngăn chặn lại việc tiếp tục để hành vi phạm tội đó tiếp diễn.
Hậu quả pháp lý
Người thực hiện hành vi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội lại không phải chịu trách nhiệm hình sự (trừ hai trường hợp đặc biệt - khi một người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng).
Với trường hợp phạm tội chưa đạt thì tất cả các trường hợp, người thực hiện hành vi đó đều phải chịu trách nhiệm hình sự trên những cơ sở chung tương ứng và điều này cũng được cụ thể hóa trong Bộ luật hình sự.