Pháp luật về bảo lĩnh

19/10/2017  

Trong cuộc sống thường ngày, hai từ bảo lãnh và bảo lĩnh được dùng như nhau, chẳng qua là do cách phát âm khác nhau của từng vùng miền.Nhưng về mặt pháp luật, hai từ này lại là hai chế định hoàn toàn khác nhau: Bảo lãnh chỉ có trong quan hệ pháp luật dân sự, còn bảo lĩnh chỉ có trong tố tụng hình sự.

-        Bảo lãnh, theo BLDS là “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Đây là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.Ví dụ: Một ngân hàng cam kết sẽ thanh toán cho bên thụ hưởng của hợp đồng khoản đền bù trong phạm vi của số tiền được nêu rõ trong giấy bảo lãnh nếu bên đối tác không thực hiện được trách nhiệm của mình trong hợp đồng (bảo lãnh ngân hàng).

-        Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Điều kiện và thủ tục xin bảo lĩnh được quy định cụ thể tại Điều 92 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003:

-         Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

-         Những người có thẩm quyền ra quyết định bảo lĩnh:

+ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

+ Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

+ Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

+ Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.

-         Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

  • Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Văn phòng luật sư - The Light hoạt động với tiêu chí "vì một thế giới công bằng" sẽ cung cấp cho bạn thông tin mới nhất về bộ luật hiện hành của nhà nước Việt Nam. Mọi thông tin chi tiết hơn, các bạn có thể liên hệ qua tổng đài1900 0069 để được các Luật sư tư vấn trực tiếp.