Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền và những quy định liên quan
30/11/2015Hợp đồng ủy quyền là một khái niệm thường gặp trong cuộc sống thường ngày. Đó là điều kiện pháp lý để bên được ủy quyền thực hiện các công việc nhân danh bên ủy quyền theo những thỏa thuận đã được quy định. Tuy nhiên, có một số trường hợp, các bên lại tự ý chấm dứt hợp đồng một cách đơn phương mà không thông qua sự đồng ý của đối phương. Vậy trường hợp này có vi phạm pháp luật hay không và có những quy định nào về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.
Để hiểu rõ về vấn đề này, đội ngũ luật sư giỏi - The Light xin cung cấp một số các thông tin liên quan như sau.
Điều kiện chấm dứt hợp đồng ủy quyền
Điều 589 Bộ luật dân sự 2005 quy định rõ về các trường hợp được phép chấm dứt hợp đồng ủy quyền như sau:
- Hợp đồng ủy quyền hết hạn.
- Công việc được ủy quyền đã hoàn thành.
- Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này.
- Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Các quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền
Điều 588 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền như sau:
- Nếu trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào, tuy nhiên phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên ủy quyền cũng được phép chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
- Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng. Trường hợp không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
Ngoài ra quy định tại Khoản 3 Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng nói rõ rằng “hợp đồng dân sự bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt “từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt”.
Mặc dù không nêu rõ về thời gian phải thông báo cho bên thứ 3 là bao lâu nhưng ta cũng hiểu rằng thời gian hợp lý để thông báo chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền có thể hiểu là một khoảng thời gian để đảm bảo về việc Bên ủy quyền nhận được thông báo chấm dứt.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng hết hiệu lực kể từ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.