Thủ tục chuyển hộ khẩu
02/12/2015Chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể tự do lựa chọn nơi mà mình sẽ sinh sống suốt đời. Ấy thế nên không gì khó hiểu khi nhiều người lại chuyển đổi hộ khẩu từ nơi này đến nơi khác. Có nhiều lý do để xảy ra trường hợp này, người theo chồng an cư lạc nghiệp quê chồng, người theo gia đình di cứ đến nơi khác, người tự mua nhà ở nơi mà mình muốn sống rồi chuyển đổi hộ khẩu,… Thế nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa thì thủ tục chuyển hộ khẩu vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thủ tục chuyển hộ khẩu
Thủ tục đăng ký thường trú tại Điều 21 Luật Cư trú quy định như sau:
* Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
* Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
* Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Những trường hợp được chuyển đổi hộ khẩu theo người thân
Khoản 2 Điều 20 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2013) quy định như sau:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;
Các vấn đề liên quan bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1900 0069 để được các luật sư giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm tư vấn pháp luật tốt nhất.