Các bước trong tiến trình mua bán doanh nghiệp (Phần 1)

23/06/2016  

Qua sự tìm hiểu ở các bài viết trước ta đã thấy việc mua bán doanh nghiệp có rất nhiều dạng và các loại hình khác nhau, do đó cách thức tiến hành trao đổi của giao dịch này cũng khá là phức tạp. Ngoài ra còn tùy vào quy mô giao dịch, mục đích của thương vụ, lĩnh vực hoạt động mà các bước trong quy trình mua có thể khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ mua bán doanh nghiệp diễn ra tại Việt Nam hay thế giới đều có các bước cơ bản sau đây:

  • Xác định mục tiêu của giao dịch mua doanh nghiệp
  • Xây dựng kế hoạch thực hiện
  • Tập hợp đội ngũ
  • Xác định tiêu chí sàng lọc và lựa chọn doanh nghiệp mục tiêu
  • Tìm kiếm doanh nghiệp mục tiêu
  • Tiếp cận doanh nghiệp mục tiêu
  • Thực hiện rà soát, thẩm định doanh nghiệp mục tiêu
  • Định giá và đàm phán
  • Lựa chọn phương thức thực hiện giao dịch
  • Xác định nguồn tài chính tài trợ cho giao dịch
  • Tiến hành thương lượng cụ thể các điều khoản hợp đồng mua doanh nghiệp và kết thúc giao dịch
  • Giai đoạn sau khi mua doanh nghiệp – Những điều cần lưu ý

Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu 3 bước đầu tiên trước khi bắt đầu lựa chọn doanh nghiệp cần mua

Bước 1: Xác định mục tiêu của giao dịch mua doanh nghiệp

Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định mục tiêu và động cơ của doanh nghiệp bạn. Cần phải hiểu rõ doanh nghiệp muốn gì, cần gì, thực hiện giao dịch này có thể đạt được mục tiêu hay không? Về bản chất, các mục tiêu chính của việc mua doanh nghiệp cần phải được bạn làm rõ qua việc trả lời những câu hỏi sau : Vì sao bạn lại thực hiện mua doanh nghiệp? Bạn có thực sự bị thuyết phục rằng việc phát triển qua việc mua lại doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn những chiến lược khác như tự phát triển nội bộ, liên doanh, mua bản quyền, thuê bản quyền…? Kết quả của giao dịch mua doanh nghiệp có củng cố được vị thế cạnh tranh của bạn trên thị trường không?

Bước 2: Xây dựng kế hoạch thực hiện

Bản kế hoạch này xác định các việc cần phải làm, các xu hướng cơ bản chung của ngành kinh doanh mục tiêu, phương pháp tìm và tiêu chuẩn lựa chọn và đánh giá doanh nghiệp mục tiêu, chỉ tiêu về ngân sách và lịch trình thực hiện giao dịch, dự báo khoảng giá mua doanh nghiệp, số vốn cần phải huy động từ bên ngoài để phục vụ cho giao dịch và các vấn đề khác có liên quan.

Kế hoạch thâu tóm cũng đóng vai trò là một công cụ để xác định nhiều vấn đề quan trọng khi thực hiện giao dịch như:

  • Quy mô và vị trí địa lý mong muốn của doanh nghiệp mục tiêu
  • Nguồn tài chính để thực hiện thương vụ mua doanh nghiệp;
  • Phương thức tìm kiếm và tiêu chí sàng lọc doanh nghiệp mục tiêu;
  • Kết quả mong muốn về tài chính, cũng như về sự cộng hưởng trong hoạt động kinh doanh sau khi mua doanh nghiệp
  • Khoảng giá (thấp nhất, cao nhất) có thể chấp nhận được về doanh thu, tốc độ phát triển, lợi nhuận và giá trị thuần của doanh nghiệp;
  • Các nguy cơ từ đối thủ cạnh tranh trong thương vụ mua doanh nghiệp mục tiêu;
  • Xác định rõ các thành viên của nhóm M&A và vai trò/trách nhiệm của từng thành viên trong nhóm;
  • Xác định bản chất của từng loại rủi ro và đánh giá khả năng chấp nhận những rủi ro;
  • Kế hoạch giữ lại hoặc thay đổi ban điều hành doanh nghiệp mục tiêu
  • Khả năng mua lại toàn bộ, hoặc một phần của doanh nghiệp mục tiêu hoặc bạn chỉ muốn mua một tài sản/một bộ phận hoặc cổ phiếu tại công ty con của doanh nghiệp mục tiêu? Mong muốn thay đổi toàn bộ doanh nghiệp mục tiêu, hoặc chỉ thay đổi một phần?
  • Ảnh hưởng về thuế và tài chính cho phương thức thực hiện giao dịch.

Kế hoạch thâu tóm cũng đóng vai trò là một công cụ thương thuyết hữu hiệu trong việc giải tỏa lo lắng về sự phát triển của doanh nghiệp cũng như giá trị cổ phần của người bán trong trường hợp người bán vẫn còn nắm giữ một phần doanh nghiệp.

Bước 3: Tập hợp đội ngũ

Bạn cần có một đội ngũ nhân sự để giúp bạn chuẩn bị và thực hiện giao dịch. Nhóm này thường gồm cả thành viên trong nội bộ công ty và chuyên gia tư vấn thuê ngoài. Các chuyên gia tư vấn này thường bao gồm luật sư, kế toán, chuyên gia đầu tư ngân hàng, chuyên gia định giá, trong một vài trường hợp, có thể cần cả chuyên gia về bảo hiểm.

Nhóm này không chỉ sáng tạo, tháo vát, xông xáo mà còn cần phải tập trung vào những động cơ căn bản thúc đẩy chiến lược thâu tóm như đa dạng hóa sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, hội nhập thị trường hoặc mở rộng đối tượng khách hàng. Để mua thành công một doanh nghiệp, gia tăng giá trị cho cổ đông, mọi thành viên trong nhóm cần phải liên kết với nhau trong cách suy nghĩ, hành động một cách thống nhất để đạt mục tiêu chung. Người trưởng nhóm sẽ phân công công việc, trách nhiệm cũng như quyền hạn của từng thành viên trong nhóm như : ai sẽ là người đại diện đàm phán cho bên mua, ai liên hệ với người bán tiềm năng, ai là người phát ngôn đại diện cho bên mua….

Một quyết định khá quan trọng khi tập hợp đội ngũ là bạn muốn thông qua kênh của ngân hàng đầu tư để tìm và chọn lọc mục tiêu hay muốn tự tìm kiếm, chọn lọc qua mạng lưới đối tác, khách hàng trong lĩnh vực mình kinh doanh. Trong rất nhiều trường hợp, người bán doanh nghiệp thường thuê bên thứ ba, là các ngân hàng đầu tư, môi giới tiếp xúc với người mua tiềm năng. Như vậy, bạn có thể tiết kiệm khá nhiều tiền bạc và thời gian trong việc tìm kiếm doanh nghiệp mục tiêu khi sử dụng ngân hàng đầu tư hoặc dịch vự kết nối, môi giới mua bán doanh nghiệp. Thêm vào đó, các ngân hàng đầu tư và tổ chức môi giới thường được phép truy cập vào một số nguồn tin mà bạn không thể.

Xêm thêm: Phần 2, Phần 3, Phần 4

Đoàn hội luật sư Hà Nội - The Light gồm những luật sư giỏi sẽ tư vấn, giải đám mọi thắc mắc về sáp nhập, thành lập doanh nghiệp theo bộ luật doanh nghiệp hiện hành.